Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ. Đây là công trình văn hoá thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đối với Bác Hồ kính yêu.
Nghĩa Lộ là một thị xã nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Yên Bái 84km và cách thủ đô Hà Nội khoảng hơn 200km. Nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng độ cao trung bình 250m, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc, rất thích hợp để phát triển du lịch. Thị xã Nghĩa Lộ được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực này. Nhắc đến Nghĩa Lộ, là nhắc đến một nét văn hóa vô cùng đặc sắc, hấp dẫn đó là văn hóa Thái với vẻ đẹp nguyên sơ của những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian và những địa điểm du lịch đẹp mê đắm lòng người. Bên cạnh đó, Nghĩa Lộ cũng có nhiều công trình lịch sử, văn hoá đáng tự hào, gắn với tiến trình hình thành của thị xã Nghĩa Lộ, trong đó phải nhắc đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Bối cảnh xây dựng
Những năm sau khi Bác mất, do điều kiện kinh tế khó khăn, cùng với việc ở cách xa thủ đô Hà Nội gần 300 km, việc về dâng hương viếng Bác trong những dịp Lễ Tết của người dân tỉnh Hoàng Liên Sơn khó có thể thực hiện được, chính vì vậy mà mong ước lớn nhất của nhân dân các dân tộc vùng Mường Lò là có một nơi để được dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác. Điều mong ước ấy đã trở thành hiện thực, vào dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện di chúc của Người. Ban Bí thư Trung ương Đảng - Viện bảo tàng Hồ Chí Minh - Bộ Nông nghiệp và Bộ Thuỷ sản đã phát động phong trào trồng cây, đào ao thả cá để tưởng niệm Bác trên toàn quốc. Được sự đồng ý của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn nay là tỉnh Yên Bái. Ngày 02/7/1982, Khu tưởng niệm Bác Hồ đã dược khởi công xây dựng.
Lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ. - Nguồn ảnh: Khu tưởng niệm Chủ tịch HCM thị xã
2. Tiến trình xây dựng khu tưởng niệm
Theo như tài liệu ghi lại, trước khi xây dựng ngôi nhà sàn Huyện uỷ Văn Chấn có giao cho đồng chí Trần Mộc - nguyên là Bí thư Huyện uỷ Văn Chấn cùng cán bộ chuyên môn về Hà Nội đo chi tiết theo đúng nguyên mẫu ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Sau 14 tháng thi công, ngày 03/9/1983, công trình đã được khánh thành và mở cửa đón khách tham quan, viếng Bác.
3. Các hạng mục chính của khu tưởng niệm
Khu tưởng niệm có tổng diện tích 2,2 ha bao gồm 03 hạng mục chính đó là: Vườn cây ăn quả, Ao cá và Nhà sàn tưởng niệm Bác.
- Hạng mục thứ nhất: Vườn cây ăn quả được trồng bao quanh khu tưởng niệm Bác, ở đây có rất nhiều cây ăn quả quý hiếm lúc bấy giờ như, bưởi năm roi, dừa xiêm, nhãn lồng Hưng Yên, soài Vân Du, vải Lục Ngạn, hồng xiêm Xuân Đỉnh và cả loại cây Bác thích đó là Vú Sữa.
- Hạng mục thứ 2: Ao cá có diện tích 2.200m2, được thiết kế theo hình bản đồ của huyện Văn Chấn. Công trình ao cá được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhật Bác năm (1985). Vào đúng dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người năm 2014, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã gửi tặng 124 con cá chép đỏ và trồng một số loại cây ăn quả quí cho khu tưởng niệm Bác.
- Hạng mục thứ 3: Là ngôi Nhà Sàn được thiết kế và xây dựng theo nguyên mẫu ngôi Nhà Sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch tại thủ đô Hà Nội. Ngôi Nhà Sàn có 02 gian, là nơi đặt bàn thờ tượng Bác để Nhân dân đến dâng hương, tưởng niệm và báo công lên Bác trong những dịp Lễ Tết. Ngoài ra, trong khuôn viên Khu tượng niệm Bác còn có phòng trưng bày những hình ảnh, tư liệu quí về thân thế, sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người, phòng chiếu phim để nhân dân đến xem và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
4. Giá trị và ý nghĩa của khu tưởng niệm
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ không chỉ nơi nhân dân các tộc Mường Lò hàng năm đến dâng hương, tưởng niệm, báo công với Bác mà nơi đây còn là địa chỉ đỏ, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho mọi thế hệ để học tập làm theo tư tưởng, đạo dức và phong cách của Người. Đánh giá được tầm quan trọng ấy ngày 14/7/1997, Bộ Văn hóa thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2172/QĐ-BT công nhận vườn cây ao cá Bác Hồ tại thị xã Nghĩa Lộ và lấy tên là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ Văn hoá công nhận là chi nhánh thứ 13 trong hệ thống khu di tích, lưu niệm bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước. Qua quá trình hoạt động, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy giá trị trở thành địa điểm sinh hoạt tư tưởng, giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân trên địa bàn cũng như các cơ quan, tổ chức, các đơn vị trường học trong và ngoài tỉnh Yên Bái. Hàng năm đã thành thông lệ, cứ vào các dịp Lễ, Tết như: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; Ngày sinh nhật Bác 19/5; Ngày Quốc Khánh 2/9 và những ngày kỷ niệm hay những sự kiện lớn của địa phương, Khu tưởng niệm Bác đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, viếng Bác.
Bên cạnh đó, khu tưởng niệm còn là nơi các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử của đất nước như: Tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, trưng bày triển lãm lưu động và tại chỗ, tổ chức Lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội,…
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã là nơi tiếp lửa truyền thống cho các thế hệ và Nhân dân các dân tộc Mường Lò - Nghĩa Lộ. Thị xã Nghĩa Lộ đang ngày phát triển, trở thành trung tâm Chính trị - Văn hoá - Kinh tế phía Tây của tỉnh Yên Bái. Nhớ lời dạy của Bác, được mang hình ảnh Người giữa lòng thị xã, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ luôn đoàn kết ra sức phấn đấu xây dựng Nghĩa Lộ “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”./.
Hiếu Chung Hiếu
Tin khác