LỊCH SỬ VĂN HÓA
Là một thị xã miền núi, miền đất – con người Nghĩa Lộ mang trong mình một bản sắc văn hoá đậm đà, riêng có đó là nét văn hoá Mường Lò.
Câu nói ví trở thành quen thuộc: Nhất Thanh, nhì Lò... cho ta thấy đây là một miền đất rộng lớn, phì nhiêu (Cánh đồng Mường Lò rộng chỉ sau cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên). Không những vậy nơi đây còn là địa danh mang đậm truyền thống văn hoá các dân tộc.
Vùng đất Nghĩa Lộ là cái nôi của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Thái, Kinh, Tày, Mường... mỗi dân tộc đều mang trong mình một bản sắc riêng.
Trang phục:
Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ các màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Người Thái đen đã có chồng phải “tằng cẩu” (Búi tóc). Phụ nữ Thái hầu hết có thân hình đẹp bởi được lao động và mặc áo bó từ nhỏ. Nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ.
Nam giới người Thái mặc quần cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở 2 bên gấu vạt, người Thái trắng có thêm túi bên ngực trái. Màu quần áo chủ yếu là màu thẫm.
Người Thái khéo tay, đặc biệt là phụ nữ Thái, giỏi nghề thủ công truyền thống tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm. Nói về nghề dệt, người Thái có câu thành ngữ “Vợ con tay guồng, tay tơ”. Cộng đồng người Thái quan niệm: gái tốt, gái đẹp phải là người khéo trong tròng bông, dệt vải. Mọi thiếu nữ đều được mẹ giáo dục chăm chút từ nhỏ, truyền kinh nghiệm để khi cô gái đến tuổi về nhà chồng đã có đủ váy, áo, chăn đệm, gối... do chính mình làm ra mang theo. Người Thái có câu ví đặc trưng “Mí phải chăng pên ếm” (có vải mới thành mẹ) thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ.
Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời ở Nghĩa Lộ. Bao đời, nghề trồng bông, dệt vải đã gắn bó với từng gia đình người Thái. Ngày nay, nhiều nguyên liệu mới, hiện đại đã dần thay thế việc trồng bông, ươm tơ. Khung cửi truyền thống cũng được cải tiến, chạy bằng điện, giảm bớt sức người. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái Nghĩa Lộ luôn được mọi người ưa chuộng và đã có mặt ở nhiều nơi trong nước.
Người Kinh ở Nghĩa Lộ có một bộ phận cư trú từ lâu đời còn hầu hết từ các tỉnh miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi nhưng vẫn giữ những nét tương đồng như ở dưới xuôi.
Người Mường ở nhà sản, kiểu nhà 4 mái. Canh tác chủ yếu là lúa nước. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men, được đem ra mời khách quý và các cuộc vui tập thể. Phụ nữ Mường cũng rất giỏi nghề thủ công như dệt vải, dệt thổ cẩm, đan lát. Trang phục tiêu biểu của phụ nữ là khăn đội đầu và ái cánh ngắn màu trắng, váy đen có cạp dệt hoa văn sặc sỡ và hoạ tiết vô cùng phong phú...
Người Tày có trang phục truyền thống làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn bên trong và áo dài bên ngoài.
Ẩm thực:
Văn hóa ẩm thực cũng là một trong những đặc trưng của văn hoá Mường Lò. Câu nói đã trở thành quen thuộc như: “Muốn ăn gạo trắng nước trong. Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò” gợi nhớ về một vùng quê trù phú với những sản vật đặc trưng của vùng đất nảy.
Được thiên nhiên ưu đãi, lòng chảo Mường Lò với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đã cho những hạt nếp (nếp tan) đặc sản. Dưới bàn tay khéo léo của con người, món xôi nếp là một trong những đặc sản khó quên nhất của Nghĩa Lộ.
Nghĩa Lộ còn có nhiều món ăn tiêu biểu mà những nơi khác không có như món xôi ngũ sắc, rêu nướng, rêu hấp (rêu ở dòng suối Thia), thịt hun khói, pa pỉnh tộp, nộm hoa chuối rừng, rau xôi tập cẩm... Không quá cầu kỳ nhưng những món ăn của vùng đất này luôn hấp dẫn bởi hương vị của các loại gia vị từ núi rừng (hạt sẻn, hạt dổi...).
Văn hóa dân gian:
Mường Lò là miền đất giàu truyền thống văn hoá, xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt, trong đó, đậm đà nhất chính là bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Với một tiềm năng về văn hoá dân gian đậm đà bản sắc, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền đất này đã thể hiện giá trị nghệ thuật đích thực.
Xòe Thái Mường Lò có 6 điệu cơ bản. Điệu xòe “Khắm khen” có nghĩa là nắm tay. Đây là điệu xòe cơ bản nhất thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc; Điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” có nghĩa là nâng khăn mời rượu, thể hiện lòng hiếu khách, sự gần gũi giữa con người với con người; Điệu xòe “Phá xí” nghĩa là bổ bốn, diễn tả tình đoàn kết của cộng đồng, dù ở bất cứ phương trời nào đều hướng về tổ tiên, quê hương; Điệu xòe “Đổn hôn” nghĩa là tiến lùi, khẳng định dù trời đất đổi thay, nhưng ý chí và tình người luôn sắt son, bền chặt; Điệu xòe “Nhôm khăn” có nghĩa là tung khăn, một điệu xòe tưng bừng nhất, thể hiện niềm vui trước những thành quả lao động; điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” có nghĩa là vòng tròn vỗ tay, thể hiện sự mãn nguyện, niềm hân hoan sau mỗi cuộc vui.
Trải qua thời gian, theo tiến trình lịch sử, xòe Thái ngày càng được phát triển, với những động tác phức tạp hơn, và là nền tảng của những tác phẩm múa có tính nghệ thuật cao, song vẫn chứa đựng cốt cách, bản chất của nó gắn với tâm hồn của con người, cùng với khát vọng vươn lên chinh phục thiên nhiên.
Với những giá trị nhân văn và vô cùng đặc sắc, Xòe Thái đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Nghĩa Lộ - Yên Bái, mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào Thái khắp nơi trên cả nước, vì có thêm một di sản văn hóa đã được vinh danh bởi rất nhiều nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, bởi tình yêu quê hương và sự trăn trở với những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Hội Hạn Khuống – một lễ hội truyền thống lâu đời và mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. “Hạn Khuống” còn gọi là Sàn hoa Hạn Khuống - sân chơi dành riêng cho nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình.
Sàn Hạn Khuống được làm bằng những cây tre to ghép lại, xung quanh có những chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang. Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây “Lắc xay”, có ý nghĩa như cây nêu ngày tết. Sàn được làm thật chắc để cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: quay xa, kéo sợi, đan lát, thêu thùa…
Khi ánh sáng của bếp lửa bùng lên, cũng là lúc bắt đầu đêm Hạn Khuống. Các thiếu nữ Thái duyên dáng trong trang phục váy áo cỏm truyền thống, vấn tóc đẹp, đội khăn piêu. Còn các chàng trai tay cầm khèn Pí để đệm cho những câu khắp tình tứ lúc giao duyên.
Trong những ngày lễ, tết, hội hè, những chàng trai, cô gái Thái háo hức tham gia sàn hoa Hạn Khuống với mong muốn tìm được người yêu. Khi những câu khắp cất lên với những lời đối đáp tình tứ, khéo léo, được đẩy lên theo từng cung bậc của cảm xúc. Ngọn lửa “Hạn Khuống” cháy sáng rực cả một góc bản làm cây “Lắc xay” càng thêm lung linh nhiều màu sắc. Trong đời sống văn hóa của người Thái Mường Lò, Hạn Khuống đã thỏa mãn nhu cầu tinh thần và liên kết, gắn bó cộng đồng người Thái, thể hiện ước vọng về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc lứa đôi và khát khao hướng tới chân, thiện, mỹ.
Năm 2017, hội Hạn Khuống của người Thái ở Mường Lò đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tài sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc Thái nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Vinh dự này cũng đặt ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp lưu giữ, phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật trình diễn này trong hiện tại và tương lai.
Lễ hội ở Nghĩa Lộ vô cùng đặc sắc. Là một miền đất giàu truyền thống văn hoá, Nghĩa Lộ - Mường Lò là quê hương gạo trắng, nước trong, được coi là xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hoá khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là mỗi khi xuân về, Tết đến; mùa màng thu hoạch xong xuôi. Lễ hội nào cũng chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa lan toả, bao trùm lên nó là sự thờ cúng, tôn vinh các vị thần linh, các diêu nhân có công với bản, với quê hương, đất nước, với tổ tiên. Lễ hội cũng là dịp giải trí, vui chơi, giao lưu, củng cố tình làng xóm, từ lễ hội này trai gái được giao duyên, nhiều đôi nên vợ, nên chồng. Lễ hội đã góp phần bồi đắp và phát triển ý thức cộng đồng. Ở đây có những lễ hội đặc sắc như lễ hội hoa ban, lễ hội “lồng tồng” (hội xuống đồng”, lễ hội “xên hươn – xên bản – xên mường” (cúng nhà, cúng bản, cúng mường) cầu cho sức khoẻ, làng bản ấm no, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, trâu bò đầy chuồng, thóc lúa đầy nhà, lễ hội Rằm tháng Giêng, lễ hội Xên Đông,… Gắn liền với lễ hội là các trò chơi truyền thống của các dân tộc như kéo co, ném còn, tómắclẹ, đánh yến, đu chà... Những trò chơi không chỉ vui, hứng thú mà còn có ý nghĩa giao duyên, tỏ tình đậm đà.
Văn nghệ dân gian của các dân tộc ở Nghĩa Lộ phong phú với nhiều thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, sử thi, ca dao... Nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Sống trụ xôn xao”; “Ngọc Hánh đánh giặc Cờ Vàng”, “Táy pú sắc”..., các làn điệu dân ca như khắp, then, lượn... cùng nhiều loại nhạc cụ như đàn, trống, pí, chũm choẹ, khèn... tạo nên âm thanh trầm bổng, tha thiết.
Mỗi dân tộc ở Nghĩa Lộ có một bản sắc văn hoá riêng, độc đáo nhưng luôn song hành hoặc hoà quyện vào nhau tạo nên một vùng đất văn hoá đặc sắc mà ít nơi có được đó là văn hoá Mường Lò. Ngày nay, dưới ánh sáng của Đảng, các giá trị truyền thống văn hoá đó luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Thị xã đã chủ động tổ chức xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ trong đó chú trọng bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, quan tâm xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, khôi phục các loại hình tổ chức sinh hoạt văn hoá dân gian ở cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong việc hưởng thụ các giá trị văn hoá của chính dân tộc mình, góp phần xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành một thị xã văn hoá miền núi tiêu biểu của cả nước.